‘Kẻ trộm chó’: Có ý tứ, có chút cảm động, nhưng vẫn còn một chút vụng về

Tiếp nối phim đồng tính Tao không xa mày, lại là phim đầu tay của một đạo diễn trẻ góp mặt vào làng điện ảnh. Đây là một dấu hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều những đạo diễn trẻ dấn thân vào đam mê của mình vì cả hai bộ phim dù không xuất sắc nhưng đều đáng khích lệ cũng như đưa ra rất tốt những lát cắt cuộc sống, điều mà ngay cả những đạo diễn tên tuổi bây giờ cũng ít khi chú ý.
Kẻ xoay quanh chủ đề về – một vấn nạn mà bấy lâu nay người nuôi chó ở Việt Nam luôn canh cánh. Chuyện phim bắt đầu khi Ghẻ (đạo diễn Nguỵ Minh Khang đóng) chuyển đến một căn nhà trọ mới và vô tình gặp Đen (Hứa Minh Đạt) – một tên đang bị người dân truy đuổi. Thấy Ghẻ làm công nhân xưởng may tương lai bấp bênh, Đen mới rủ rê Ghẻ đi . Tất nhiên ban đầu Ghẻ từ chối nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo và người bà ở quê, Ghẻ chấp nhận.
Cả hai cứ đi trộm chó mỗi đêm cho đến khi vướng vào một vụ ăn trộm, phải vào tù. Khi được thả ra sau 18 tháng, Đen bỏ nghề còn Ghẻ thì càng dấn thân sâu hơn vì tuyệt vọng.
Đáng lý ra bộ phim chỉ nên tập trung vào câu chuyện theo cách đơn giản như thế này thì đã dễ xem và hấp dẫn hơn rất nhiều, có khi còn tạo được hiệu ứng truyền miệng. Ấy nhưng đạo diễn lại hơi tham lam, lồng ghép vào phim chuyện gia đình phức tạp của Ghẻ, rồi gia cảnh của Đen, chuyện quá khứ, tương lai, v.v… rất nhiều thứ linh tinh mà không đủ khả năng kiểm soát khiến mạch phim bị rời rạc. Khi xem một phim không có nhịp thì sẽ thấy nó rất lê thê, đây cũng là điểm yếu nhất của Kẻ trộm chó.
Ngược lại, nếu đây là một phim truyền hình, đạo diễn có nhiều thời lượng hơn để phân bổ thời gian xuất hiện của nhân vật và các tuyến truyện phụ. Tạo ra nhiều điểm liên kết hơn, tô đậm cảm xúc hơn thì sẽ hợp lý hơn. Chính cách kể chuyện bị hoang mang làm cho bộ phim cứ như bị kéo dài thời gian, rất nhiều nhân vật bị dư thừa như tên tù hung tợn (Linh Sơn), cô bạn gái của Đen (Trương Mỹ Nhân)….
Tuy nhiên, phải công nhận đây là bộ phim khai thác kĩ nhất, nhiều nhất và thẳng nhất vào vấn đề trộm chó – ăn thịt chó mà lâu nay ít người dám đụng đến. Bộ phim có những cảnh quay tạo cảm giác ớn lạnh ở lò mổ chó, chắc chắn sẽ khiến những người yêu chó rùng mình, nhưng nó lại cần thiết vì đưa ra được những hình ảnh mang tính thực tế, cần thiết để đánh động lòng trắc ẩn trong khán giả.
Đầu phim cũng đã có chú thích những cảnh quay với chó đều được mô phỏng để các con vật an toàn, nên các hội nhóm yêu động vật có thể an tâm với vấn đề này. Trong phim cũng không có những cảnh quay trực tiếp của hành động bắt chó hay giết đập chó. Đạo diễn khá khéo léo khi chọn những góc máy không lộ liễu nhưng đủ gợi được liên tưởng, để những cảnh liên quan đến bắt chó, giết chó thực sự rùng mình mà các chú chó vẫn an toàn.
Không chỉ nạn trộm chó mà cả những vấn đề liên quan, hệ luỵ xung quanh nó cũng được thể hiện khá đầy đủ như sở thích ăn thịt chó của nước ta (đứng thứ 2 trên thế giới), hậu quả tang thương khi trộm chó bị người dân đuổi đánh, v.v… Kể cả việc bộ phim tìm cho hai kẻ trộm chó (nhân vật chính) trong phim những lý do để thông cảm cũng nhẹ nhàng, không gay gắt, không gượng ép.
Yếu tố tình cảm trong phim cũng được xây dựng dễ thương, nhưng bị cụt và chưa tới, thực sự rất đáng tiếc. Câu chuyện tình giữa gã trộm chó và cô bán vịt lộn bị câm đáng lý sẽ tròn trịa hơn, nhân văn hơn nếu như đạo diễn dũng cảm cắt bỏ đi tuyến truyện về gia đình và quá khứ của Ghẻ, hoặc giản lược nó lại.
Bên cạnh đó thì phim lại có những phân cảnh cảm động, tạo nước mắt khá tốt. Câu chuyện của ông già mù (Mạc Can) và con chó bị trộm mất dù có thời lượng ít nhưng chắc chắn sẽ khiến khán giả sụt sùi bởi chất liệu rất dễ đồng cảm cùng diễn xuất lão luyện và tinh tế của Mạc Can.

Các diễn viên gạo cội xuất hiện trong phim khá nhiều với đủ mọi vai trò. Từ cô Phi Điểu, Minh Nhí, Hồng Vân, Lý Hùng đến Linh Sơn đều thể hiện tròn vai, nhưng vai có cần thiết hay không lại là chuyện khác. Đặc biệt là NSND Hồng Vân vẫn có lối diễn rất nhẹ nhàng và đặc trưng, khiến cho nhân vật người cô dưới quê dù rất thừa lại trở nên duyên và dễ chịu.
Dù đạo diễn vẫn chưa đủ sức kiểm soát mạch phim nhưng lại có những thủ pháp nghệ thuật khá độc đáo trong tiểu tiết và xây dựng tình huống. Đầu phim khi nhân vật Ghẻ ngồi trong nhà nghe chuyện ma trên đài được lồng vào tình huống gặp gỡ Đen vừa hài hước vừa hồi hộp. Hay như nhân vật cô Mén bán hột vịt lộn phải có chiếc máy cứ ấn vào là phát ra giá tiền vì cô bị câm cũng rất dễ thương, thể hiện được những lát cắt cuộc sống dung dị. Chỉ đáng tiếc là đạo diễn lại không giữ được không khí đó khi về cuối phim.
Nhạc phim là một điểm cộng rất lớn của bộ phim này. Ca khúc Ông già mù và con chó (Nguyễn Nhất Chung sáng tác) do Bùi Caroon trình bày sẽ làm mạch phim mùi hơn khi lồng vào câu chuyện nhỏ, cũng là thứ khiến sẽ khiến Ghẻ quay đầu.
Như đúng tinh thần phim, sau khi xem bộ phim này xong khán giả sẽ cảm thấy yêu quý loài chó hơn dù cảm giác đó không mạnh mẽ nhưng nó lại bao hàm được nhiều vấn đề, kể cả việc nâng cao ý thức nuôi chó của mỗi người.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *